Khánh thành cầu Thủ Thiêm 2
Sáng ngày 28/4/2022, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 nối liền trung tâm Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO, Chủ tịch HĐQT công ty Đại Quang Minh cho biết: “Cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ có vai trò kết nối giao thông giữa Trung tâm đô thị hiện hữu (Quận 1) với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp. Thủ Đức mà còn có vai trò hết sức quan trọng là tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung và góp phần phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm sớm trở thành một khu đô thị hiện đại với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996. Ngoài ra, với vị trí “vàng” trên sông Sài Gòn thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và là biểu tượng mới của Thành phố”.
Với vai trò tổng thể và quan trọng nêu trên, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã được lên kế hoạch triển khai từ rất sớm, cụ thể là Thành phố đã cho phép Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) nghiên cứu dự án và tuyển chọn đơn vị tư vấn nước ngoài để thiết kế kiến trúc vào tháng 03 năm 2008. Đầu năm 2010, Sở Giao thông vận tải và Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch Thành phố đã thẩm định, UBND Thành phố đã phê duyệt phương án thiết kế cho cầu Thủ Thiêm 2 là “kiến trúc cầu Rồng” với quy mô 4 làn xe; Đồng thời, cho phép VINACONEX lập Dự án đầu tư xây dựng Cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức “xây dựng - chuyển giao” (BT).
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2014, kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lãi suất ngân hàng có lúc lên đến 25%, thị trường bất động sản đóng băng hoàn toàn; tình hình thu ngân sách Thành phố là rất khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa có gì; suất đầu tư xây dựng tại Thủ Thiêm cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác do nền đất rất yếu và không tiếp cận được các khoản vay tín dụng, nên VINACONEX và cũng tương tự như Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là nhà đầu tư 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm khác theo hình thức BT đã không triển khai gì và 2 dự án này hoàn toàn ngưng trệ. Mặc dù, Thành phố đã có nhiều biện pháp động viên và đốc thúc tích cực nhưng nhiều Nhà đầu tư được giao dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng không triển khai gì và Thành phố đã phải thu hồi một số dự án và hoàn trả lại tiền ký quỹ, tiền thuê đất đã nộp vào ngân sách Thành phố trước đó.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn do khủng hoảng kinh tế và không có Nhà đầu tư nào quan tâm đến Thủ Thiêm, mặc dù Thành phố có rất nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư. Được sự mời gọi và động viên của Lãnh đạo Thành phố là phải triển khai sớm, nhanh chóng các dự án giao thông kết nối Thủ Thiêm với Trung tâm thành phố hiện hữu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông nội khu Thủ Thiêm. Đồng thời, phải hình thành sớm một khu đô thị kiểu mẫu có quy mô đủ lớn cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì mới gia tăng giá trị được cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm và xúc tiến được các nhà đầu tư khác đầu tư một cách hiệu quả hơn. Trên tinh thần đồng hành cùng Thành phố và tâm huyết phát triển Thủ Thiêm, Đại Quang Minh đã đàm phán với VIDIFI để nhận chuyển giao dự án 4 tuyến đường chính và với VINACONEX để nhận chuyển giao dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT và đã được Thành phố chấp thuận.
Sau khi tiếp nhận dự án cầu Thủ Thiêm 2 từ VINACONEX, được sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh phương án từ 4 làn xe lên 6 làn xe, Công ty Đại Quang Minh đã phối hợp với các Sở ngành và Đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 có chiều dài tổng cộng là 1.465m với 6 làn xe. Trong đó, cầu dẫn chính gồm 4 làn xe từ đường Lê Duẩn, một nhánh từ công trường Mê Linh lên cầu dẫn chính sang Thủ Thiêm; một nhánh từ Thủ Thiêm qua Quận 1 đáp trước ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh.
Cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế độc đáo là cầu dây văng với nhịp không cân xứng nhằm đáp ứng “kiến trúc cầu Rồng” có trụ tháp cao 113m với kết cấu lõi thép liên hợp bê tông bọc ngoài, tạo hình dáng cong nghiêng theo hai phương hình thành “đầu rồng” là cổng chào về phía Thủ Thiêm, trong đó nhịp chính về phía Quận 1 có kết cấu là dầm thép bê tông liên hợp và nhịp phía Thủ Thiêm là dầm bê tông cốt thép dự ứng lực.
Với nhận thức về tầm quan trọng của dự án cầu Thủ Thiêm 2 là rất lớn, do vậy ngay từ đầu công ty Đại quang Minh đã tổ chức một bộ máy quản lý dự án chuyên nghiệp, chuyên môn cao, với tinh thần là luôn song hành cùng các đơn vị liên quan từ khâu thiết kế, thi công, giám sát và nghiệm thu nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và mỹ thuật công trình.
Bên cạnh đó, Nhà đầu tư đã tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án đến mức cao nhất có thể, nên chỉ lựa chọn 2 công ty nước ngoài.
Một là Công ty tư vấn thiết kế WSP - Phần Lan (là đơn vị có nhiều kinh nghiệm thiết kế cầu dây văng có uy tín trên thế giới) để thực hiện công tác thiết kế cầu chính, riêng phần cầu dẫn, đường dẫn và các công việc còn lại do các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước thực hiện.
Hai là Nhà thầu Freyssinet-Pháp liên danh với nhà thầu trong nước để thi công hạng mục phần cầu chính có dây văng và các hạng mục còn lại là các Nhà thầu trong nước có nhiều kinh nghiệm để thực hiện.
Các vật tư quan trọng và thiết yếu được nhập từ nước ngoài, còn lại là sản xuất trong nước. Đặc biệt là rút kinh nghiệm từ những sai sót của các cây dây văng, thép trên cả nước, Đại Quang Minh đã triển khai kiểm soát chất lượng đường hàn của các đốt dầm thép khi thực hiện hàn tại công trường cũng nghiêm ngặt và điều kiện tương tự như hàn tại nhà máy (kiểm soát nhiệt độ hàn, độ ẩm, vận tốc gió…). Ngoài ra, trong thi công đơn vị tư vấn thiết kế phải thường xuyên cập nhật số liệu thực tế để có những điều chỉnh kịp thời phù hợp để kiểm soát đường cong “độ vồng” của lườn cầu đạt đến mức độ hoàn hảo đáp ứng với yêu cầu của thiết kế đề ra.
Đặc biệt, trong suốt quá trình thiết kế, thi công, Đại Quang Minh cũng đã chủ động phối hợp và được sự đồng thuận của các chuyên gia hàng đầu, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng cùng với đội ngũ Tư vấn Quản lý dự án và Tư vấn giám sát liên tục bám sát hiện trường. Đặc biệt, nguồn vật liệu (nhập ngoại và trong nước) được kiểm tra chặt chẽ nên không phát sinh lớn làm tổng chi phí thực hiện dự án không vượt tổng mức đầu tư được duyệt và đã không sử dụng đến chi phí dự phòng khối lượng của dự án.
Quá trình triển khai thi công dự án, các nhà thầu đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức như là:
- Tuyến đường Tôn Đức Thắng là tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, đặc biệt là tại giao lộ với đường Lê Thánh Tôn và đường Nguyễn Hữu Cảnh nên chỉ được thi công vào ban đêm.
- Việc thực hiện dự án phải gián đoạn một thời gian do ưu tiên thi công Tuyến đường sắt đô thị số 1. Và nhất là phải thi công trong điều kiện giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật tại phía Quận 1.
- Trong giai đoạn đại dịch Covid -19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, toàn bộ công trình bị chậm, giảm năng suất và tăng chi phí do thực hiện giãn cách và tổ chức thi công theo phương án 3 tại chỗ “Thi công sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ” và thực hiện biện pháp 5K đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người lao động và xã hội.
- Đặc biệt, công trình bị ngưng trệ nghiêm trọng do công tác giải phóng mặt bằng và công tác rà soát về pháp lý của dự án.
Đến nay, công trình cầu Thủ Thiêm 2 đã được xây dựng hoàn thành và đã được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu công trình đưa vào khai thác, sử dụng.
Riêng hạng mục chiếu sáng mỹ thuật của cầu Thủ Thiêm 2 chưa thực hiện được do tính chất quan trọng của vai trò “điểm nhấn kiến trúc và biểu tượng” của Thành phố về ban đêm nên cần thêm thời gian để nghiên cứu phương án thiết kế và công nghệ về chiếu sáng LED. Sau khi bàn giao đưa vào sử dụng ngày hôm nay, chúng tôi cùng Nhà thầu cam kết sẽ thực hiện tốt công tác bảo trì và bảo hành theo như các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 được đầu tư theo phương thức hợp đồng BT có Tổng mức đầu tư là 4.260 tỷ đồng và được thanh toán theo nguyên tắc “cùng thời điểm” (cùng mặt bằng giá) được các Bộ ngành có ý kiến thống nhất và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Do vậy, tổng vốn đầu tư của dự án chỉ còn 3.082 tỷ đồng, đã tiết giảm được chi phí dự phòng trượt giá và lãi vay 1.178 tỷ đồng.
Qua nội dung kết luận của kiểm toán Nhà nước ngày 21/08/2020 về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT thì Tổng mức đầu tư được kiểm toán là gần như không chênh lệch với Tổng mức đầu tư được phê duyệt. Với nội dung là “Nhà đầu tư cơ bản đã chấp hành đầy đủ các cam kết trong hợp đồng BT, tuân thủ các chính sách, chế độ, quy định của pháp luật. Đồng thời, công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán được thực hiện theo quy định. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật phù hợp với thiết kế cơ sở được phê duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho dự án.”
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO bày tỏ: “Cầu Thủ Thiêm 2 là thành quả của chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của thành phố rất lớn”, đồng thời ông Dương cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban bộ ngành trung ương; Lãnh đạo Thành Ủy, Ủy ban nhân dân và các Sở ban ngành của Thành phố qua các thời kỳ; xin cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành trực tiếp của Bộ GTVT, Bộ Xây Dựng , Bộ Quốc Phòng và nhất là Thành Ủy, Ủy ban Nhân dân cùng các Sở ban ngành của thành phố; đặc biệt bày tỏ sự cám ơn và niềm thương tiếc đến hương linh đồng chí Lê Hòa Bình – Nguyên Phó Chủ tịch thường trược Thành phố - là người được phân công và dành rất nhiều tâm huyết cho các công trình xây dựng của thành phố, trong đó có công trình Thủ Thiêm.
Cũng tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố vui mừng khi hôm nay được khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 trong dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước. Việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 còn có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh TP.HCM nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội sau tác động của Covid-19.
Cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ là điểm nhấn kiến trúc cho cảnh quan sông Sài Gòn mà còn là cây cầu kết nối trung tâm Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP.HCM đã đề ra mục tiêu xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm thương mại, theo cơ chế quản lý mới, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện. Đến nay, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành với cầu Thủ Thiêm 1, hầm chui sông Sài Gòn và nay là cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành mạng lưới giao thông, thu hút đầu tư.
Chính thức tuyên bố khánh thành Cầu Thủ Thiêm 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: “Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ từng bước hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng các đơn vị liên quan đã thành công hoàn thành dự án này.”
Cầu Thủ Thiêm 2 khi được đưa vào sử dụng sẽ phần nào gánh bớt áp lực giao thông cho Hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1, tăng tính kết nối giữa trung tâm Thành phố hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 cùng với cầu Thủ Thiêm 1, hầm Thủ Thiêm, Đại lộ Mai Chí Thọ và hệ thống cầu qua sông Sài Gòn theo quy hoạch như cầu Thủ Thiêm 3, 4 sẽ hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh liên kết khu vực phía Đông với trung tâm TP.HCM hiện hữu ở bờ Tây sông Sài Gòn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển khu Đô thị mới Thủ Thiêm và các khu dân cư phía Đông TP.HCM, tạo tiền đề quan trọng trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.